1. Q: Người muốn thẩm định văn bằng phải nộp 01 hay 02 bộ hồ sơ?

A: Nộp 01 bộ hồ sơ sắp xếp theo thứ tự như hướng dẫn tại mục “Hồ sơ cần nộp

2. Q: Tôi học tại nước ngoài cả Đại học và Thạc sĩ, tôi muốn công nhận cả 2 trình độ thì nộp mấy bộ hồ sơ?

A: Bạn nộp 01 bộ hồ sơ chung bao gồm các giấy tờ của trình độ Đại học và Thạc sĩ. Tại "Tờ khai điện tử" chọn số lượng văn bằng là 02 và khai thông tin theo yêu cầu.

3. Q: Tôi ở xa Hà Nội có địa chỉ nào của Cục Quản lý chất lượng ở phía Nam không?

A: Hiện tại Cục QLCL không có chi nhánh phía Nam. Bạn cần gửi bưu điện ra như hướng dẫn tại mục “Quy trình nộp hồ sơ

4. Q: Có những cách nộp phí như thế nào?

A: Có các cách nộp phí như sau:

– Đến nộp trực tiếp tại phòng 101 của Trung tâm Công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng

– Chuyển khoản qua internet Banking/ATM/tại ngân hàng vào tài khoản Vietcombank của Cục Quản lý chất lượng như hướng dẫn tại mục “Quy trình nộp hồ sơ” (Photo/chụp ảnh/in lại biên lai nộp tiền/giao diện chuyển khoản kẹp vào hồ sơ)

5.Q: Hướng dẫn cách tìm đến Trung tâm Công nhận văn bằng - Cục Quản lý chất lượng:

A: Địa chỉ: Phòng 101, Nhà 8C, 30 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội (cạnh số 2 ngõ 30 Tạ Quang Bửu)

6. Q: Tôi ở xa không thể ra Hà Nội nhận kết quả được thì làm thế nào? (Hồ sơ tôi đã nộp qua đường bưu điện đầy đủ và đóng phí đầy đủ).

A: Khi có kết quả, Trung tâm sẽ gửi email thông báo và hướng dẫn chi tiết cách bạn nhận kết quả qua bưu điện. Phí gửi chuyển phát nhanh đảm bảo được thanh toán trực tiếp cho bưu tá phát thư hoặc chuyển khoản trước theo hướng dẫn tại mục “Quy trình nộp hồ sơ”.

Cách 2: Bạn làm Giấy ủy quyền cá nhân để ủy quyền cho người thân đến nhận hộ, giấy ủy quyền đúng như quy định của nhà nước, có xác nhận của CA Phường.

7. Q: Từ khi nộp hồ sơ thì bao giờ có được kết quả?

A: Từ khi nộp hồ sơ tối đa 20 ngày làm việc (1 tuần làm việc 05 ngày) bạn sẽ nhận được trả lời kết quả.

Khi có kết quả sớm hơn do hồ sơ đầy đủ không vướng mắc nếu xong sớm Cục Quản lý chất lượng sẽ gửi email thông báo cho bạn.

8. Q: Nếu tôi bận không thể đến trực tiếp thì làm thế nào để nộp được hồ sơ?

A: Bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ rồi có thể nhờ người quen đến nộp hộ hoặc gửi bưu điện đến Cục Quản lý chất lượng như trường hợp ở các tỉnh thành xa Hà Nội.

9. Q: Tôi học 05 năm tại Nga và được cấp bằng Specialist như vậy của tôi tương đương trình độ gì ở Việt Nam?

A: Bạn sẽ được xét công nhận trình độ là Chuyên gia. Theo hiệp định giữa chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và chính phủ LB Nga: “Bằng thạc sĩ cấp tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bằng chuyên gia (“диплом специалиста”) và Bằng thạc sĩ (“диплом магистра”) cấp tại Liên bang Nga được công nhận tương đương để tiếp tục học tập, trong đó có việc học chương trình tiến sĩ tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chương trình nghiên cứu sinh (аспирантура) tại Liên bang Nga, và được hành nghề phù hợp với học vị và trình độ chuyên môn ghi trong các văn bằng này ở cả hai quốc gia”.

Văn bằng Chuyên gia này được học thẳng lên Tiến sĩ tại Việt Nam.

10. Q: Tôi chưa được cấp bằng sau mà chỉ nhận giấy chứng nhận tạm thời thì có nộp hồ sơ làm công nhận văn bằng được không?

A: Giấy chứng nhận tạm thời không được chấp nhận thay thế cho văn bằng. Bạn phải chờ được cấp bằng tốt nghiệp chính thức.

11. Q: Tôi nhận bằng nhưng không có bảng điểm thì tôi phải làm thế nào?

A: Bạn phải liên lạc với trường để xin cấp lại bảng điểm hoặc do bạn chưa lấy bảng điểm, có bảng điểm công chứng dịch mới đủ hồ sơ để nộp làm thủ tục công nhận văn bằng.

12. Q: Tôi hoàn thành khóa học Tiến sĩ thì chỉ nhận được bằng chứ không có bảng điểm?

A: Nhiều quốc gia, Tiến sĩ có phụ lục văn bằng và có bảng điểm, còn nhiều quốc gia không có (tùy thuộc vào hệ thống giáo dục của từng nước). Trong trường hợp không có thì chỉ cần nộp văn bằng và các giấy tờ khác.

13. Q: Tôi đi học tự túc đã lâu rồi nên không có QĐ cử đi học của BGDĐT, tôi cũng không xin xác nhận của ĐSQ VN ở nước tôi học và hộ chiếu của tôi đã mất thì tôi phải làm sao?

A: Trong trường hợp này bạn phải phối hợp với Cục Quản lý chất lượng để gửi email sang trường xin trường xác nhận thời gian bạn học tại campus của trường tại nước ngoài. Bạn điền thông tin vào consent form tại phần cuối trong mục hướng dẫn "hồ sơ cần nộp" hoặc cuối phần "Tờ khai điện tử" và gửi cùng hồ sơ 

14. Q: Ngày mai là hạn nộp hồ sơ học cao học của em mà hôm nay em mới biết phải làm thủ tục công nhận văn bằng, em phải làm sao?

A: Theo luật quy định trong Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT quy định thủ tục công nhận văn bằng tối đa 20 ngày làm việc; sau khi nộp đầy đủ hồ sơ tại Cục Quản lý chất lượng bạn xin giấy biên nhận có dấu đỏ của Cục Quản lý chất lượng rồi nộp giấy biên nhận đó kèm theo hồ sơ cao học và đề nghị các trường tuyển sinh cho bạn nợ kết quả công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng. Đến ngày hẹn trong giấy biên nhận bạn phải nộp kết quả công nhận văn bằng cho đơn vị bạn tham gia dự tuyển. Cục QLCL sẽ ưu tiên xử lý sớm cho các trường hợp cần gấp và có minh chứng kèm theo.

15. Q: Tôi nhận được kết quả công nhận chỉ là một giấy công nhận văn bằng/một công văn thôi à?

A: Đúng vậy, hồ sơ bản sao công chứng bạn đã nộp lưu giữ tại Cục Quản lý chất lượng. Công văn công nhận hoặc giấy công nhận văn bằng bản chính chỉ trả cho bạn 01 bản. Trước khi nộp đi các đơn vị bạn cần ra UBND Phường để công chứng.

Bản chính kết quả công nhận văn bằng sẽ đi kèm theo văn bằng gốc của bạn và kết quả không có thời hạn giống như văn bằng của bạn.

16. Q: Tôi có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Tôi có bắt buộc phải làm thủ tục công nhận văn bằng tại Cục Quản lý chất lượng giáo dục - Bộ GDĐT hay không?

A: Điều 3 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định về nguyên tắc công nhận văn bằng:

Công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng

Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT không quy định bắt buộc người có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện đề nghị công nhận văn bằng.

17. Q: Tôi được cơ quan cho phép đi du học tự túc kinh phí tại nước ngoài. Vậy, cơ quan tuyển dụng nhân sự của tôi nếu họ tự thẩm định, tự chịu trách nhiệm và tự báo cáo giải trình được khi có yêu cầu về văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì có cần yêu cầu tôi làm thủ tục công nhận văn bằng ở Bộ GDĐT hay không?

A: Điều 3 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định về nguyên tắc công nhận văn bằng:

“Cơ sở giáo dục đại học căn cứ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này tự  đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá văn bằng. Trường hợp cần thiết, cơ sở giáo dục đại học yêu cầu người có văn bằng thực hiện thủ tục công nhận văn bằng quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Vì vậy, nếu đơn vị sử dụng lao động là cơ sở giáo dục đại học, có thể căn cứ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT tự đánh giá văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng trong hoạt động đào tạo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá văn bằng hoặc trường hợp cần thiết, cơ sở giáo dục đại học yêu cầu người có văn bằng thực hiện thủ tục công nhận văn bằng quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT không quy định việc cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng vào hoạt động khác không phải hoạt động đào tạo.

18. Q1: Tôi có đăng ký tham gia chương trình đào tạo chính quy tại một trường của nước ngoài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên tôi không thể sang học trực tiếp toàn thời gian tại nước đó mà có học trực tuyến tại Việt Nam. Như vậy, sau khi học xong văn bằng của tôi có đủ điều kiện được công nhận bởi Bộ GDĐT hay không?

Q2: Tôi đang tìm hiểu và muốn tham gia chương trình đào tạo trực tuyến cấp bằng của nước ngoài. Tôi khá lo lắng về việc văn bằng đó sau khi tôi học xong có được công nhận tại Việt Nam hay không. Mong nhận được thông tin tư vấn từ Trung tâm.

A: Điều 4 Thông tư số 13/2021 quy định về điều kiện công nhận văn bằng gồm 4 khoản. Ngoài các điều kiện công nhận văn bằng chung, điều này còn quy định về điều kiện công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Như vậy, bên cạnh các điều kiện về cơ sở giáo dục cấp bằng, chương trình đào tạo, quá trình và kết quả học tập, việc công nhận/đánh giá văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cần căn cứ vào hình thức đào tạo của chương trình.

Đối với hình thức đào tạo trực tuyến hay trực tiếp kết hợp trực tuyến sẽ căn cứ vào thời gian người học cư trú và học tập tại nước được phép đào tạo hoặc cấp bằng; minh chứng bằng visa du học, thẻ cư trú hoặc dấu xuất nhập cảnh vào nước cấp bằng. (Điều kiện công nhận văn bằng theo hình thức này được quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT).

Thời gian qua, một số cơ sở giáo dục công lập Phillippines cung cấp các chương trình đào tạo tiến sĩ với thời gian du học ngắn ngày tại Phillipines, Malaysia và Hong Kong mà hiện nay báo chí đã đưa tin: Trường Đại học Công lập Tarlac, Trường Đại học Công lập Ifugao, Trường Đại học Công lập Bulacan,...Tuy nhiên, đến nay, Bộ GDĐT chưa cấp phép cho chương trình tiến sĩ của các cơ sở giáo dục trên thực hiện đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam. Vì vậy căn cứ điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT, các văn bằng tiến sĩ cấp trong các chương trình trên chưa đủ cơ sở được công nhận.

19. Q1: Nếu chương trình tôi đã tham gia học có tên trong Danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì sẽ được miễn công nhận văn bằng không? Tài liệu chứng minh văn bằng được miễn công nhận gồm những gì?

Q2: Tôi đi học theo diện học bổng hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng giữa Việt Nam và nước ngoài thì có cần làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng không?

A: Theo Điều 5 Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT:

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học(Luật số 324/2018/QH14 ngày 19/11/2018) có hiệu lực thi hành;

Văn bằng thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết được công nhận để sử dụng tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng nếu nằm trong danh sách được Bộ GDĐT công bố và đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, các văn bằng trên phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tên văn bằng phù hợp với quy định về văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam;

b) Thời gian đào tạo và điều kiện tuyển sinh phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Đào tạo theo hình thức trực tiếp hoặc đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến mà thời lượng giảng dạy trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng của chương trình.

 Việc miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng không bao gồm việc xác thực văn bằng; cơ quan, tổ chức hoặc người sử dụng lao động chịu trách nhiệm xác thực văn bằng trong trường hợp cần thiết.

Trong trường hợp anh/chị có nhu cầu công nhận văn bằng, đề nghị gửi tới Trung tâm Công nhận văn bằng (CNVB), Cục QLCL 01 bộ hồ sơ hoàn chỉnh theo quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT hoặc tham khảo hướng dẫn tại website của Trung tâm CNVB (https://naric.edu.vn/news/ho-so-can-nop.html)